Just another free Blogger theme
Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014
by Unknown on 05:15
No comments
Trong môi trường văn hóa nào cũng vậy thì con người cũng rất là quan trọng. Vì việc đối nhân xử thế ra sao cũng rất ảnh hưởng đến sau này. Tôi xin được dẫn một vài đoạn về cuộc đời của Ngụy Diên. Đây là câu chuyện lịch sử dựa trên chính sử (không phải là tam quốc diễn nghĩa), về án xử Ngụy Diên làm phản. Cho tới bây giờ người ta vẫn còn đang tranh luận về việc thật sự Ngụy Diên có làm phản không. Nhưng dựa vào câu chuyện đó người ta muốn rút ra được bài học: nội bộ là phải đoàn kết, không nên chia rẽ, có thắc mắc lỗi lầm nào cần phải được làm sáng tỏ ngay chứ nếu không để lâu tất loạn.
Ngụy Diên ban đầu làm tướng ở Kinh châu thời Lưu Biểu. Ông có sức khỏe, dũng mãnh hơn người và khéo quan tâm tới quân sĩ; được cấp dưới kính trọng nhưng bạn bè lại không ưa. Về sau theo phò tá Lưu Bị.
Năm 228, Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy, họp với các tướng lĩnh chọn đường đánh vào lãnh thổ Tào. Ngụy Diên bèn hiến kế với Gia Cát Lượng xin được thống lĩnh 5000 tinh binh, lương thảo đầy đủ, đi đường núi khó thì chỉ trong 10 ngày có thể đánh đến Trường An.
Tuy nhiên Gia Cát Lượng cho rằng kế này của Ngụy Diên quá mạo hiểm, dễ tổn hại binh sĩ nên không nghe theo, mà chủ định đi theo đường bằng phẳng cho an toàn. Lúc này Ngụy Diên đã ấm ức.
Trong những lần ra quân khác, Ngụy Diên thường đề nghị được lãnh một cánh quân độc lập tác chiến theo đường khác nhưng không được chấp nhận. Vì vậy ông thường trách Gia Cát Lượng nhát gan không dám theo kế nên tài năng dũng khí của ông bị bỏ phí.
Ngụy Diên có tài, giỏi rèn luyện quân sĩ nhưng có tính tự kiêu nên các tướng thường tránh xung đột với ông. Chỉ riêng Dương Nghi thường ra mặt đối đầu với Ngụy Diên. Hai người xung khắc tới mức cứ ngồi với nhau là cãi nhau. Có lần Ngụy Diên tức giận rút kiếm ra chĩa vào Dương Nghi. Lúc đó Phí Y phải đứng ra hòa giải hai người. Tình trạng bất hòa giữa hai tướng lớn tới mức bên Đông Ngô cũng biết chuyện. Tôn Quyền từng nói về hai người và tiên liệu rằng khi Gia Cát Lượng mất cả hai người sẽ cùng làm loạn.
Năm 234, ông lại theo Gia Cát Lượng đi đánh Ngụy. Ngụy Diên dẫn quân làm tiên phong đi trước, đóng trại cách xa trại của Gia Cát Lượng. Mùa thu năm đó, Gia Cát Lượng ốm nặng trong doanh trại, bí mật sai người gọi Dương Nghi, Phí Y và Khương Duy đến, sắp đặt việc rút quân, theo đó Dương Nghi đi trước, Khương Duy cùng Ngụy Diên đi đoạn hậu, nếu Ngụy Diên không chịu thì cứ mặc, đại quân cứ rút về.
Gia Cát Lượng qua đời, Dương Nghi sai Phí Y đến báo tin và thăm dò Ngụy Diên. Ngụy Diên không tán thành rút quân mà muốn ở lại tiếp tục đánh Ngụy, đồng thời tỏ ý không phục tùng mệnh lệnh của Dương Nghi. Ông sai thủ hạ đi theo dõi cử động của Dương Nghi. Khi biết tin các tướng đang chuẩn bị rút về theo kế hoạch của Gia Cát Lượng, Ngụy Diên nổi giận, quyết định hành động trước. Đường xá trong Thục vốn hiểm trở phải bắc ván thành đường nhỏ để hành quân gọi là sạn đạo; Ngụy Diên phá hỏng các con đường sạn đạo đi về Hán Trung để ngăn Dương Nghi rút lui.
Dương Nghi thấy vậy bèn dâng biểu về triều, nói Ngụy Diên làm phản. Ngụy Diên cũng dâng biểu về triều nói Dương Nghi làm phản. Quan trong triều cho rằng chỉ có Ngụy Diên đáng nghi ngờ, còn Dương Nghi sẽ không làm phản.
Dương Nghi thấy đường sạn đạo bị phá, bèn sai quân chặt cây, làm cầu. Quân Dương Nghi tiến gần tới chỗ Ngụy Diên đóng quân. Dương Nghi lệnh cho Vương Bình đi tiên phong đánh Ngụy Diên. Vương Bình chỉ trích hành động và kích động quân Ngụy Diên đào ngũ. Kết quả quân Ngụy Diên bỏ đi gần hết.
Ngụy Diên cô thế đành cùng con trai và mấy người thân tín bỏ chạy về Hán Trung. Dương Nghi sai Mã Đại mang quân đuổi theo, giết chết ông. Mã Đại mang thủ cấp về cho Dương Nghi. Nghi trông thấy thủ cấp Ngụy Diên, bèn trút tức giận, đứng bật dậy đá mạnh vào thủ cấp và chửi rủa.
Hậu chủ Lưu Thiện chuẩn theo lời thỉnh cầu của Dương Nghi và Phí Y, khép Ngụy Diên tội mưu phản và ra lệnh tru di tam tộc nhà Ngụy Diên. Còn Dương Nghi trở về, không lâu sau vì bất mãn không được thay Gia Cát Lượng làm thừa tướng, tỏ ra oán hận cũng bị cách chức và tự vẫn (năm 235).
Ngụy Diên được đánh giá là viên tướng có tài năng, dũng cảm; là một trong những trụ cột của nước Thục. Bình sinh chỉ có Gia Cát Lượng khống chế được Ngụy Diên. Sau khi Khổng Minh qua đời, Ngụy Diên không chịu phục tùng tướng khác, nhất là Dương Nghi vốn hay ra mặt đối kháng với ông. Ngụy Diên không muốn hàng Ngụy, chỉ muốn đón đánh giết Dương Nghi, trở thành người thay Gia Cát Lượng làm người chỉ huy tối cao cuộc Bắc phạt và tiếp tục công việc này. Ông vẫn luôn ấm ức vì kế sách của mình không được dùng nên muốn thực hiện được nó.
Ngoài ra, có ý kiến nêu cần xem lại tính xác thực của mệnh lệnh khi lâm chung của Khổng Minh. Khi còn sống Gia Cát Lượng không kịp sắp đặt việc rút quân, chính Dương Nghi đã đặt ra di mệnh này và không ai trong quân Thục có thể kiểm chứng rằng đó là lời Khổng Minh hay Dương Nghi.
Chốt lại câu chuyện là lời cảnh báo về vấn đề nhân sự con người. Ngụy Diên được đánh giá là không làm phản nhưng chỉ tại vì đấu đá quyền lực với Dương Nghi mới mang họa vào thân. Cả hai tướng đều cùng chung chí hướng phò Thục Hán diệt Ngụy, nhưng cuối cùng cả hai lại đấu đá, nghi kị ám hại lẫn nhau dẫn đến kết cục buồn. Trong môi trường công ty cũng vậy, có những lúc sẽ có đấu đá nội bộ với nhau và sẽ làm cho công ty bị suy yếu. Vì vậy người chủ, người sếp cần phải nhìn ra vấn đề nội bộ và giải quyết ổn thỏa. Cần phải công bằng cho cả hai phía, phải ứng xử kịp thời và nhanh lẹ giải quyết vấn đề. Chứ nếu không lại sẽ có thêm một Ngụy Diên và Dương Nghi nữa xuất hiện. Một chết trước và một sẽ chết ngay sau đó.
Tài liệu tham khảo về cuộc đời Ngụy Diên, Wikipedia.
Categories: Trí tuệ của người xưa
Unknown
Tâm hướng thiện. Không tu hành cũng thành chánh quả
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét