Tâm của con người được hỷ lạc là khi con người đang hưởng phước.
Nghĩa là: con người được an nhiên tự tại trong cuộc sống, không bị sợ
hãi bởi các lời hăm he, hù dọa, gạt gẫm của các tà sư, không lạc vào tà
đạo, mê tín dị đoan, không bị tà kiến trói buộc, tà pháp sai sử. Tâm của
con người được hỷ lạc nhất là khi con người sống đời tri túc, biết đủ,
tri nhàn, biết thư giản, không còn tâm tham lam, sân hận và si mê.
Thân được bình an, tâm được hỷ lạc, không do lời cầu nguyện, hay chúc
tụng, không do ơn trên, thánh thần thiên địa ban cho. Bởi lẽ, tại sao
trời lại ban cho người này, không ban cho người kia, không ban cho tất
cả mọi người? Thực ra, thân tâm an lạc có được, chính là phước báu, là
công đức và phước đức, tạo nên do sự tu tâm dưỡng tánh của chính bản
thân.
Có sáu phương cách để tạo nên phước báu, đó là: bố thí, trì
giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong kinh sách, gọi
đó là Lục Độ Ba La Mật.
Thực hành bố thí, tâm con người hoan hỷ, bớt tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen. Phước báu vô lượng.
Thực hành trì giới, 5 giới căn bản, 10 giới thiện, 250 hay 348 giới
xuất gia, tâm con người bớt loạn động, được an tịnh, nhứt tâm. Phước báu
vô lượng.
Thực hành nhẫn nhịn, nhẫn mà không thấy nhục, nhịn mà
không thấy thiệt, tâm con người từ bi hơn, khoan dung, độ lượng hơn.
Phước báu vô lượng.
Thực hành tinh tấn, làm việc phước thiện, cứu
người giúp đời không mệt mỏi, tâm con người an vui hơn khi thấy người
khác an vui. Phước báu vô lượng.
Thực hành thiền định, tức giữ
được sự bình tĩnh thản nhiên trong cuộc sống, tâm con người dễ dàng hỷ
xả, không sân hận, không kích động; hành động, lời nói và ý nghĩ thảy
đều thanh tịnh. Phước báu vô lượng.
Thực hành trí tuệ là bước
cuối cùng, tâm con người sáng suốt, giác ngộ chân lý, giải thoát phiền
não khổ đau trong sanh tử luân hồi. Đây chính là cứu cánh tột cùng của
đạo Phật. Phước báu vô lượng.
Phước báu vô lượng tức là hạnh phúc vô biên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét