Cái tâm của con người ảnh hưởng sâu xa đến cơ thể. Nếu để tâm diễn tiến theo chiều hướng xấu xa và kết nạp những tư tưởng ô nhiễm nó có thể gây nhiều tai hại, có thể giết chết một chúng sanh. Ngược lại, tâm cũng có thể chữa khỏi một chứng bịnh của xác thân. Khi tâm chăm chú vào những tư tưởng chân chánh, với sự cố gắng chân chánh và hiểu biết sáng suốt, hậu quả của nó thật vô cùng lớn lao. Một cái tâm linh khiết và những tư tưởng trong sạch thật sự dẫn đến một kiếp sống khoẻ mạnh và an lành. Đức Phật dạy:
"Không có kẻ thù nào có thể gây tai hại cho ai nhiều bằng những tư
tưởng tham ái, những tư tưởng sân hận, những tư tưởng ganh tị, v.v...
của chính ta".
Con người mà không biết điều chỉnh cái tâm của
mình để thích ứng với hoàn cảnh thì không khác nào một xác chết nằm
trong quan tài.
Hãy hướng tâm của bạn trở vào bên trong và cố
gắng tìm thích thú bên trong chính bạn. Bạn sẽ tìm thấy nơi đây một
nguồn thích thú vô tận luôn luôn sẵn sàng để bạn thọ hưởng.
Chỉ
khi nào được kiểm soát chặt chẽ và được hướng dẫn chân chánh theo chiều
tiến bộ và trật tự, tâm mới trở thành hữu dụng cho người làm chủ nó và
cho xã hội. Một cái tâm vô trật tự đem lại cho người làm chủ nó, và cho
nhiều người khác, tất cả những tai hại trong thế gian. Những tai hại ấy
gây nên bởi những người không biết kiểm soát tâm và không biết làm cho
tâm mình được thản nhiên, quân bình, trầm tĩnh.
Trầm lặng không
phải là yếu ớt. Một thái độ trầm lặng luôn luôn tiêu biểu cho con người
thuần thục. Giữ được thái độ trầm lặng khi mọi việc đều thuận lợi thì
không khó lắm, nhưng vẫn bình tĩnh khi sự vật xáo trộn quanh mình thì
quả thật là khó. Chính đức tính khó có thể có này là điều đáng cho ta cố
gắng thành tựu, bởi vì nhờ thành tựu và kiểm soát như vậy ta tạo nên
một cá tính ổn định, vững chắc. Nghĩ rằng chỉ có những người ồn ào,
khoác loác và lăng xăng tối ngày là mạnh mẽ và hùng dũng thì quả thật là
sai lầm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét